Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết sổ 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chỉ đạo “Đối với điện gió và điện mặt trời: ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá điện năng hợp lý. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (Danish Energy Agency) nghiên cứu, xác định lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam, trong đó xác định cơ cấu phát triển điện gió ngoài khơi theo từng giai đoạn, các khu vực ngoài khơi tiềm năng phát triển điện gió. Kết quả nghiên cứu này sẽ được xem xét tích hợp trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Kết quả nghiên cứu đưa ra 25 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng cố định (fix bottom foundation) và 17 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng nổi (floating foundation). Trong đó, khu vực tỉnh Bình Thuận được xác định có 4 vị trí phù hợp để phát triển điện gió ngoài khơi với công nghệ móng cố định.
Riêng đối với tỉnh Bình Thuận: ngày 16/12/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản số 9611/BCT-ĐL gửi UBND tỉnh Bình Thuận về các đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi khu vực tỉnh Bình Thuận, trong đó Bộ đã nêu một số khó khăn thách thức như chồng lấn vị trí với quy hoạch khác như vận tải đường biển, chưa xác định giá điện gió ngoài khơi sau thời điểm tháng 11/2021, chưa nghiên cứu phương án giải tỏa công suất tổng thể cho khu vực.
Theo các báo cáo về khả năng giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại văn bản số 5891/EVN-KH ngày 31/8/2020 và văn bản số 6710/EVN-KH ngày 7/10/2020, khu vực tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận không còn khả năng giải tỏa thêm công suất các dự án năng lượng tái tạo đến năm 2023.
Về chủ trương khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi: hiện nay, chưa có văn bản pháp luật quy định riêng trình tự thủ tục khảo sát phát triển cho dự án điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, Bộ Công Thương kiến nghị có thể xem xét áp dụng một số quy định liên quan đến biển và hải đảo như sau: theo quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, rà soát dự án, trình Thủ tướng Chính phủ chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Cùng với đó là Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Nghị định quy định việc giao khu vực biển nhất định trên các vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoặc quyết định cho phép khai thác của cơ quan. Trong đó quy định thẩm quyền quyết định giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 10 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP).
Hiện nay, các dự án điện gió gần bờ (trong phạm vi 3 hải lý), đang trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất chủ trương khảo sát phát triển dự án.
Về các dự án điện gió ngoài khơi đã có chủ trương khảo sát: trong các dự án điện gió đang đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển điện lực toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương khảo sát dự án điện gió Thăng Long Wind (ngoài khơi mũi Kê Gà) tỉnh Bình Thuận với quy mô công suất 3.400 MW tại văn bản số 4917/VPCP-QHQT ngày 6/6/2019 của Văn phòng Chính phủ. Các dự án điện gió trên biển khác đang đề xuất bổ sung quy hoạch do UBND các tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, trước khi hoàn thiện hồ sơ bổ sung quy hoạch gửi Bộ Công Thương thẩm định.
Đối với riêng dự án điện gió Thăng Long Wind: Bộ Công Thương đã có các văn bản số 6397/BCT-ĐL ngày 27/8/2020, văn bản số 4556/BCT-ĐL ngày 24/6/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét sự cần thiết, tiến độ các giai đoạn của dự án trong Quy hoạch điện VIII để tính toán phương án phát triển lưới điện đảm bảo giải tỏa công suất nguồn điện gió.
Các dự án điện gió ngoài khơi đang đề nghị chủ trương khảo sát/bổ sung quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và các địa bàn khác:
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận: ngoài dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương khảo sát với quy mô 3.400 MW, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ trương khảo sát 5 dự án điện gió ngoài khơi khác với tổng công suất 14.200 MW. Thứ nhất, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất 3.500 MW theo đề xuất của Công ty CP Năng lượng Dầu khí châu Á (đại diện Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Năng lượng Dầu khí châu Á, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners – Công ty TNHH Novasia Energy). Thứ hai là dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận với công suất dự kiến 5.000 MW cho Liên danh nhà đầu tư do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình làm đại diện tại văn bản số 2087/UBND-KT ngày 3/6/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận và nêu “Nhà đầu tư cam kết trường hợp dự án không khả thi hoặc không được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Liên danh hoàn toàn chịu trách nhiệm và không có bất kỳ điều kiện nào đối với tỉnh Bình Thuận”. Thứ ba là dự án điện gió ngoài khơi Hàm Thuận Nam với tổng công suất 900 MW theo đề xuất của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi. Thứ tư là dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong tổng công suất 1.000 MW theo đề xuất của Công ty CP Zarubezhneft và Công ty DEME Concessions Wind. Cuối cùng là dự án điện gió biển Cổ Thạch với tổng công suất 2.000 MW theo đề xuất của nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư HLP.
Bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng đề nghị khảo sát phát triển dự án điện gió trên biển và bổ sung quy hoạch như: Bà Rịa – Vũng Tàu: 4 dự án với quy mô công suất 1.463 MW; Bạc Liêu: 18 dự án với quy mô công suất 3.717 MW; Bến Tre: 38 dự án với với quy mô công suất 6.651 MW; Bình Thuận: 8 dự án với với quy mô công suất 22.200 MW (bao gồm cả dự án Thăng Long Wind); Cà Mau: 26 dự án với với quy mô công suất 7.317 MW; Hà Tĩnh: 7 dự án với với quy mô công suất 1.091 MW; Ninh Thuận: 2 dự án với quy mô công suất 4.380 MW; Quảng Bình: 2 dự án với quy mô công suất 909 MW; Sóc Trăng: 19 dự án với quy mô công suất 6.307 MW; Tiền Giang: 3 dự án với quy mô công suất 881 MW; Trà Vinh: 30 dự án với quy mô công suất 6.208 MW.
Theo Bộ Công Thương, tổng công suất điện gió trên biển đang đề xuất là rất lớn nên cần tính toán tổng thể cơ cấu nguồn điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII để tránh việc thực hiện khảo sát riêng lẻ gây lãng phí xã hội.
Việc phát triển điện gió ngoài khơi là phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương phát triển điện gió ngoài khơi để bổ sung công suất nguồn điện cho hệ thống, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện trong cơ cấu nguồn của hệ thống điện Việt Nam.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét: giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện đề án Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam (với sự phối hợp của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Đan Mạch) để đưa vào Quy hoạch điện VIII. Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cấp chủ trương khảo sát đối với các dự án điện gió ngoài khơi để triển khai thực hiện theo quy hoạch. Giao Bộ Công Thương có văn bản gửi Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) để thông tin về các nội dung liên quan đến quy hoạch vả chủ trương khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi nêu trên.